Thật giả, thiện và ác

Hôm nay “coffee talk” với một người bạn, nói chuyện về chuyện thật giả ở nhà hồn Trương Ba da Hàng Thịt lẫn lộn, không nên tin các khẩu hiệu mà nhìn vào con người mới biết được, cao sang hay thấp hèn nhìn tư cách con người là ra…

Bạn ý comment cho mấy câu đại loại như trong kinh Bụt dạy người làm việc tốt mà không biết mình làm việc tốt tức là rất tốt, còn người làm điều ác mà không biết mình làm điều ác có nghĩa cực kỳ ác.

Nghe cũng kinh thế là mình google ngó thử thì tìm được cái link bàn chuyện Thiên Ác này. Nghe cũng cao siêu vẫn có thể hiểu được, hóa ra là của một nhóm người khiếm thị làm với cái tên con đường ánh sáng. Đúng là người mù thì sáng mà người sáng thì như mù… hiii…

===

luận bàn về thiện ác

Bài này được trích trong cuốn “Làm Chủ Vận Mệnh”
1. Sao gọi là làm thiện có thật có giả?
Vào thời Nguyên, có mấy vị Nho học đi tham kiến Hòa thượng Trung Phong ở núi Thiên Mục, hỏi rằng:
– Nhà Phật nói thiện ác báo ứng như bóng theo hình, vậy sao hiện nay có người làm thiện mà con cháu trái lại không hưng vượng? Có người làm ác mà con cháu lại phát đạt? Vậy lời Phật nói về thiện ác không chứng cứ!
Hòa thượng Trung Phong đáp:
– Người bình thường bị kiến giải thế tục che lấp, tâm sáng suốt chưa từng được tẩy gội. Vì pháp nhãn chưa mở, nên nhiều khi họ cho rằng hành vi làm thiện đó là làm ác; hành vi làm ác lại cho là làm thiện. Ta làm sai, nhiều lúc không biết tự trách mình điên đảo, lại oán trời trách đất, bảo là báo ứng không đúng.
Mọi người lại hỏi:
– Thiện là thiện. Ác là ác. Sao lại có chuyện thiện ác trái ngược?
Hòa thượng Trung Phong nói:
– Làm việc lợi ích cho người gọi là thiện; làm chỉ có lợi cho mình gọi là ác. Làm việc lợi ích cho người, dù là mắng chửi, đánh đập, cũng là thiện; còn việc chỉ có lợi cho mình, cho dù cung kính, lễ độ với người cũng gọi là ác. Cho nên, một người làm được việc thiện, khiến người khác có được lợi ích gọi là việc công, cũng tức là việc thiện chân thật; còn chỉ muốn mình được lợi ích, gọi là việc tư, tức là việc thiện giả dối. Lại nữa, việc thiện xuất phát từ lương tâm, từ tâm từ bi của mình gọi là chân thật; còn việc thiện nếu chỉ có hình thức, làm cho người ta thấy mà thôi thì gọi là giả dối. Lại nữa, làm việc thiện không cầu quả báo, không có chấp trước, đó là chân thật; song nếu chấp vào mục đích nào, có tâm mong cầu quả báo để làm việc thiện, đó là giả dối. Những việc làm thiện như vậy, mình phải cẩn thận suy xét mới được.
2. Sao gọi là ngay thẳng và tà vạy?
Hiện nay, người ta trông thấy kẻ cẩn thận, không cứng cỏi, phần lớn đều khen người đó là người lương thiện, và rất tôn trọng họ. Song Thánh Hiền thời xưa, lại rất quý trọng người có chí khí, quyết hướng đến trước, hoặc kẻ giữ mình trong sạch, không chịu xu thời. Bởi vì hạng người này mới có ý chí, mới có can đảm gánh vác trách nhiệm, có thể dạy họ, khiến họ tiến bộ.
Còn những người xem có vẻ là người tốt, cẩn thận lại vô dụng, tuy ở trong làng xóm mọi người ưa thích, song vì cá tính của họ yếu đuối, sống mặc theo thế tục, không có chí khí, cho nên Thánh nhân bảo hạng người đó là tên giặc làm hại đến đạo đức. Như thế mà xét, thì người phàm tục nói đến quan niệm thiện ác, thật ra trái với lời của Thánh nhân.
Người phàm tục bảo là thiện, Thánh nhân lại cho nó là ác. Người phàm tục bảo là ác, Thánh nhân lại cho nó là thiện. Từ phương diện này suy ra những việc khác, người phàm tục thích hay không thích cái gì cũng đều trái với Thánh nhân. Thiện thần gia hộ người thiện, và nhân quả báo ứng đều khế hợp với quan điểm Thánh nhân, song nhiều lúc lại không hợp với quan niệm của người phàm tục. Cho nên, phàm làm việc thiện, quyết không thể bị âm thanh, sắc tướng mà mình ưa thích lợi dụng, nhắm mắt đi theo cảm giác. Cần phải sáng suốt tư duy chỗ khởi tâm động niệm của mình, gội sạch những tâm niệm bất chính, cầu danh, giả dối, trở lại tâm chí thành thanh tịnh.
Cho nên, việc thiện nếu xuất phát từ tâm cứu người đó là ngay thẳng; còn như ôm lòng cầu danh, lấy lòng người khác đó gọi là tà vạy; nếu xuất phát từ tâm tôn trọng người khác, thì gọi là ngay thẳng; còn như có chút coi thường, đùa bỡn, đó là tà vạy. Những điều này phải suy xét rõ ràng.
3. Sao gọi là việc thiện có âm và dương?
Phàm người làm việc thiện được người ta biết đến gọi là dương thiện; làm việc thiện mà không người biết đến thì gọi là âm đức. Người có âm đức, Long thần Hộ pháp đều biết và bảo hộ, phước đức tự nhiên cũng đến. Người có dương thiện, mọi người đều biết, khen ngợi, hưởng được tiếng thơm trong đời. Song phải chú ý, tiếng khen trong đời dễ khiến lòng người kiêu ngạo, thường gặp những tai nạn bất ngờ. Như một người không có sai lầm gì lại bị oan uổng, vô duyên vô cớ bị người gán cho tiếng ác, nhưng có khi con cháu của họ lại được thành đạt. Cho nên, dương thiện và âm đức có sự sai khác vi tế, không thể không suy xét kỹ.
4. Sao gọi là việc thiện có đúng có sai?
Thuở xưa, vào thời Xuân Thu, nước Lỗ có một luật định, nếu người nước Lỗ bị nước khác bắt đi làm nô lệ, mà có ai dùng tiền chuộc ra, thì người đó có thể đến quan phủ lãnh tiền thưởng. Song học trò của Khổng Tử là Tử Cống, tuy giúp chuộc nô lệ ra, lại không chịu nhận tiền thưởng. Ông không nhận tiền, chủ ý chỉ vì giúp người mà không phải vì tiền thưởng, vốn rất tốt. Nhưng khi Khổng Tử nghe được, không vui bảo: “Việc này Tử Cống đã làm sai. Phàm Thánh Hiền làm việc gì phải nghĩ đến việc làm của mình sau này sẽ ảnh hưởng đến phong tục tốt đẹp. Như dạy bảo, dắt dẫn nhân dân trở nên người tốt, mà không nên vì cá nhân mình cảm thấy thích là làm. Hiện nay, người trong nước Lỗ phần nhiều là nghèo. Nếu cho nhận tiền thưởng là tham tài, thì người ta sẽ sợ mang tiếng tham tài, và không có tiền, nên không chịu đi chuộc những người nô lệ. Như vậy, e rằng sau này sẽ không có ai đi chuộc những người bị bắt làm nô lệ đó!”.
Tử Lộ thấy một người té xuống sông, liền cứu người đó lên bờ. Người đó đem một con trâu đến biếu tạ Tử Lộ, Tử Lộ liền nhận. Khổng Tử biết việc, rất vui bảo: “Từ nay về sau, nước Lỗ sẽ có nhiều người chủ động cứu vớt người rơi xuống sông!”.
Qua hai câu chuyện trên, chúng ta thấy nhìn theo con mắt thế tục, Tử Cống không nhận tiền thưởng là tốt; Tử Lộ nhận con trâu là không tốt. Song không ngờ, Khổng Tử khen Tử Lộ, mà lại trách Tử Cống! Như vậy xem ra, muốn biết một người làm việc thiện hay ác, không thể chỉ nhìn trên kết quả trước mắt, mà phải xét đến hiệu quả lâu dài; không thể chỉ nghĩ đến ảnh hưởng trong hiện tại, mà phải xét đến việc đúng sai ở tương lai. Không thể chỉ luận cá nhân đắc thật, mà phải nghĩ đến quan hệ đại chúng.
Hiện nay làm tuy là thiện, song nếu lưu truyền về sau, có hại cho người, thì đó cũng không phải là thiện. Hiện nay làm tuy không phải là thiện, song nếu lưu truyền sau này, có thể giúp đỡ người khác, thì tuy dường như bất thiện, mà thật ra là thiện. Đây chẳng qua chỉ nêu ra một việc để nói thôi, những việc khác lại rất nhiều. Ví dụ như một người làm việc nên làm gọi là nghĩa, song có lúc, việc nghĩa cũng sai lầm, trở lại là việc ác.
Ví như người xấu ác có thể không cần phải khoan thứ, song nếu có người khoan thứ cho họ, thì cũng không thể bảo đó là việc bất nghĩa. Song nếu khoan thứ cho hắn, lại khiến hắn ta ỷ lại, làm nhiều việc ác hơn nữa, kết quả nhiều người do đó bị hại, vì thế ta cũng mang tội. Chi bằng không khoan thứ, cho họ sự cảnh cáo, khiến hắn không dám phạm tội thì tốt hơn. Không khoan thứ là bất nghĩa, khiến họ không tái phạm là nghĩa. Đó gọi là việc nghĩa mà dường như bất nghĩa.
Lễ độ là một đức tốt, mọi người nên học, nhưng cần có mức độ. Đối đãi người lễ độ là đúng, song nếu quá đáng, trở lại khiến người trở nên kiêu ngạo, hay thành ra nịnh nọt, cúi luồn, thì là phi lễ.
Chữ tín rất quan trọng, song phải xem tình hình. Ví dụ như vì giữ chữ tín nhỏ mà lỡ việc lớn, trái lại làm mất đi chữ tín lớn, thì đó không phải là tín.
Yêu thương người vốn là lòng từ, song nếu yêu thương quá đáng, trở lại khiến người ỷ lại, hư hỏng, thì đó không phải là lòng từ. Cho nên, phải suy nghĩ kỹ vấn đề này, phán đoán cẩn thận.

 

Posted on March 1, 2014, in Ý tưởng đời thường and tagged . Bookmark the permalink. Leave a comment.

Leave a comment